Trong thời buổi giá thuốc leo thang với vận tốc chóng mặt quả thật đỡ biết mấy cho người tiêu dùng nếu có cách nào giảm thuốc đặc hiệu được chút nào hay chút nấy. Một trong các loại thuốc đang khiến các hãng bảo hiểm y tế méo mặt trong bối cảnh thiếu tiền vì khủng hoảng kinh tế chính là thuốc giảm đau. Lý do rất đơn giản. Ai không đau gì đó, không đau đâu đó trong cuộc sống căng thẳng hiện nay mới là chuyện lạ. Kẹt không chỉ vì thủng hầu bao. Đáng lo hơn nhiều là phản ứng phụ của thuốc vì nhà sản xuất nào cũng ngọt xớt khi quảng cáo nhưng không hãng thuốc nào dám quả quyết là thuốc mình không phản ứng phụ khi dùng dài lâu. Éo le chính ở chỗ mấy ai dùng thuốc giảm đau vài lần trong đời?!
Để thuốc đừng có ngày thành thuốc độc chỉ còn cách làm sao dùng ít thuốc mà hiệu quả vẫn như mong muốn. May là con người biết… khóc vì theo Giáo sư Frey ở đại học Minnesota, nhà khoa học với nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng của nước mắt, đã chứng minh khóc nhè lúc đau, lúc bệnh rất có ích cho sức khỏe vì đó là đòn bẩy cho nhiều phản ứng có lợi trên trục thần kinh – nội tiết.
Frey đã phát hiện trong mỗi giọt lệ cân nặng không hơn 15mg có đến 3 nhóm hoạt chất cơ bản:
– Chất giảm đau có cấu trúc tương tự nội tiết tố của tuyến thượng thận mang tên leucin-endophalin nhưng an toàn vì không làm loét dạ dày.
– Men có tính kháng sinh và kháng viêm tương tự Lysozyme nhưng không gây lờn thuốc.
– Nội tiết tố prolactin với tác dụng cải thiện chức năng tư duy theo chiều hướng lạc quan ngay cả khi đang đau khiến gia chủ chịu đau giỏi hơn, thay vì hễ đau là uống thuốc.
Đi xa hơn nữa, cũng theo Frey, khóc là động tác có ích cho sức khỏe do bờ môi rung động vì gia chủ dù muốn hay không cũng phải mím môi. Động tác này kích ứng não bộ và xúc tác phản ứng phóng thích nhiều nội tiết tố có tác dụng giảm đau, an thần… Fritz, chuyên gia ngành phân tâm ở nước Áo, đã chứng minh người ít khóc là đối tượng hàng đầu của chứng đau nửa đầu, rối loạn tiêu hóa, và thậm chí nhồi máu cơ tim.
Một khi dùng thuốc giảm đau, cách tốt nhất để tránh phản ứng phụ là làm sao để thuốc sau khi tác dụng, vào đường đào thải cho sớm. Theo Poldinger ở đại học Basel, khóc là biện pháp giải độc cho cơ thể. Bằng chứng là chức năng giải độc của lá gan được gia tốc thấy rõ sau khi… khóc!
Trị bệnh không cần dùng thuốc rõ ràng có lợi hơn phải vét túi mua thuốc mà chưa biết tiền mất nhưng tật có còn mang?! Khéo hơn nữa là biết cách áp dụng phương tiện “cây nhà lá vườn” không tốn tiền mua. Tại sao không khóc một trận đã đời cho con tim vừa bớt phần sầu muộn đồng thời đánh thức sức đề kháng?!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.
Trả lời