Thông thường, từa tựa như đau răng, hầu hết người đau mắt chỉ chịu đến thầy thuốc nhãn khoa khi mắt đã đau, khi trông gà hóa cuốc hay thậm chí trông gì cũng không thấy! Bệnh tất nhiên không hẳn lúc nào cũng dễ chữa với hiệu quả như mong muốn nếu bệnh nhân tìm thầy quá trễ!. Hậu quả là khó tránh động dao động kéo hay bật máy laser, nghĩa là phức tạp hơn, tốn kém hơn và rủi ro cũng không ít, mặc dầu kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị đã không ngừng được cải tiến. Vấn đề đã không nghiêm trọng đến thế nếu người bệnh đến thầy thuốc sớm hơn. Kẹt ở điểm người bệnh tất nhiên làm sao biết bệnh, ngay cả khi bệnh đã phát. Thầy thuốc chuyên khoa mắt cũng không thể đón bệnh ở ngã tư đường. Đáng tiếc là bệnh mắt nhiều khi không nhiêu khê đến thế nếu người bệnh đã được khuyến cáo bởi thầy thuốc khác về việc nên khám mắt cho mục tiêu tầm soát và dự phòng.
Hai thí dụ cụ thể:
• Đục thủy tinh thể, còn gọi là cườm khô, tuy được xếp loại vào bệnh lão khoa, nhưng không hẳn vô cớ bỗng phát sinh khi lớn tuổi, hoặc nếu có cũng với tiến độ khác nhau do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, từ chế độ dinh dưỡng cho đến sinh hoạt nghề nghiệp. Bằng chứng là không hẳn ai hễ đúng lục tuần đều phải vướng cườm trong mắt. Nhưng cườm mắt và bệnh lý khác trên võng mạc là hậu quả hầu như khó tránh ở tất cả bệnh nhân tiểu đường, có khác chỉ khác ở điểm nặng nhẹ, sớm muộn. Thầy thuốc trị bệnh tiểu đường vì thế có trách nhiệm chuyển bệnh nhân đến thầy thuốc nhãn khoa một cách định kỳ nếu muốn điều trị bệnh nhân theo đúng bài bản để phòng ngừa biến chứng, thay vì chỉ tập trung vào đường huyết.
• Tăng áp lực nội nhãn, còn gọi là cườm nước, là bệnh không khó phát hiện vì chỉ cần ít phút để chẩn đoán. Nhiều bệnh nhân, đa số còn rất trẻ, nhất là đối tượng làm việc trước máy vi tính, mới đáng tiếc làm sao, dù vậy đang đau khổ vì nhức đầu, chóng mặt mà không ngờ là nguyên nhân nằm sau đôi mắt. Giải pháp lại rất đơn giản nếu thầy thuốc khám bệnh tuyến đầu đừng quên vai trò quan trọng của cơ quan được đặt tên hoa mỹ là “cửa sổ của tâm hồn”, nếu thao tác kiểm soát áp lực nội nhãn được kết hợp đại trà trong chương trình khám sức khỏe, tương tự như chụp hình phổi, thử phản ứng lao…
Muốn đừng đến thầy thuốc mổ cườm phải siêng đến thầy thuốc nội khoa. Khéo hơn nữa là tìm được thầy thuốc nội khoa nhưng không quên nhìn thẳng vào mắt người bệnh, hay thầy thuốc tuy thuộc chuyên khoa mắt nhưng đừng chỉ nhìn người bệnh vào đôi mắt. May hơn nhiều là tìm được hai thầy thuốc nội khoa và nhãn khoa đồng lòng tay trong tay chăm sóc người bệnh. Phòng khám được đặt tên là đa khoa, nghĩa là nhiều khoa, nghĩa là khó thiếu khoa nội và khoa mắt, hiện nay không thiếu, và chắc chắn sẽ có thêm ở nhiều nơi trên nước ta, nhưng tội nghiệp cho nhiều người bệnh vì chuyện nhiều thầy cùng lo một bệnh không hiểu tại sao hãy còn quá khó ở xứ mình!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.
Trả lời