Không ai vui gì khi phải viếng nha sĩ. Càng rầu hơn nữa khi biết còn phải… tái khám! Kẹt là dễ gì đến phòng răng một lần mà xong. Do đó, nên tận dụng tri thức về dinh dưỡng sao cho sớm có thể vẫy tay giã từ nha sĩ. Không chỉ vì con số thấy ớn trên hóa đơn mà vì mới ngồi vào ghế khám răng, chưa nghe tiếng khoan đã ê ẩm cả người.
Muốn được thế cần lưu ý vài điểm như sau:
-Giảm tối đa các món ngọt trong suốt thời gian phải há miệng mắc quai, ngay cả với mật ong, dù đáng tiếc vì mật ong có công năng giúp niêm mạc vùng hầu họng mau lành. Lý do là vì chất đường đọng lại trong vòm miệng một khi lên men, và chắc chắn sẽ lên men, là điều kiện thuận lợi để tình trạng viêm tấy dễ kéo dài. Uống thuốc kháng sinh đời mới đắt tiền rồi bánh kẹo thả giàn thì cũng bằng không.
-Nhiều người có thói quen ngậm kẹo thuốc để sát trùng cổ họng sau khi làm răng. Không sai vì không nên bị bội nhiễm trong lúc éo le. Nhưng nếu tính hơn thua thì thường hại nhiều hơn lợi do niêm mạc miệng vừa khô vừa dễ bị kích ứng bởi chất đường trong kẹo thuốc. Súc miệng bằng nước trà đậm pha muối nhiều khi tốt hơn vì chất chát trong trà vừa giúp cầm máu, vừa làm lành vết thương trong khi muối hợp tác với nước bọt để tạo thành một dung dịch sát trùng ít phản ứng phụ cho vùng hầu họng vì theo kiểu cây nhà lá vườn.
-Tránh các loại nước uống có ga vì chất sủi bọt trong thức uống công nghệ có thể cản trở tác dụng của thuốc giảm đau, nghĩa là tiền mất tật mang chỉ vì muốn tránh đắng miệng khi uống thuốc. Nếu phải uống thì nên dùng ống hút để nước ngọt vào thẳng cổ họng thay vì có giờ tiếp xúc với vùng răng nướu đang bị tổn thương.
-Trong mọi trường hợp nên tránh các món chua, như chanh, bưởi…, nhất là ngay sau khi vừa bị cà răng vì chất toan trong thức ăn góp phần nạo sâu phần men răng vừa bị dũa mỏng. Răng khi đó không thủng mới lạ.
-Tăng các món có men kháng viêm như bromalin trong thơm, papain đu đủ…, để thầy thuốc khỏi phải mạnh tay với các loại thuốc hóa chất tổng hợp dể gây viêm loét dạ dày.
Ăn được đến thế nào trong lúc đau răng, hay sau khi chữa răng là chuyện cá biệt tùy hoàn cảnh của mỗi đối tượng. Nhưng nếu tưởng nên nhịn ăn sau khi rời phòng nha vì còn ê răng thì lầm. Quan điểm đó chỉ gây trở ngại cho sức đề kháng và vô tình trì hoãn tiến trình lành bệnh. Tất nhiên không cần chén đến cành hông nhưng biết chọn vài món ăn để răng mau lành chính là biện pháp chủ động tiếp tay nha sĩ để thu ngắn liệu trình dù là thầy thuốc có thể không vui vì thả mồi lớn mà trúng nhằm cá… bé!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.