Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) không vô cớ khi quả quyết bệnh trầm cảm đang và sẽ tiếp tục là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng ở châu Âu trong nhiều thập niên trước mặt. Bằng chứng là, theo thống kê của các hãng bảo hiểm y tế bên đó, không dưới 1/5 người dân châu Âu đang là nạn nhân của tình trạng suy nhược thần kinh, từ nhẹ như mất ngủ kinh niên bước qua trầm uất hẳn hoi cho đến phân liệt cá tính với đủ dạng rối loạn tâm thần! Hình ảnh đó càng rõ nét hơn nữa với cư dân các thành phố công nghệ tiên tiến đầy đủ tiện nghi vật chất. Đáng lo hơn nhiều là 60 % số nạn nhân lại thuộc giới trẻ với đa số đang có công ăn việc làm, nghĩa là không thiếu phương tiện để chăm lo sức khỏe.
Nếu nói chuyện tiền bạc, cũng theo ước tính của các hãng bảo hiểm, chi phí cho việc điều trị hậu quả của thuốc an thần cao tối thiểu gấp 3 lần tiền tốn cho một năm thuốc ngủ. Nhưng vấn đề không chỉ là gánh nặng ngất trời cho ngành y tế đang cạn kiệt tài chánh. Đáng nói hơn nhiều là hơn phân nửa số khách hàng thân thiết của thuốc an thần chỉ vì là bệnh nhân trầm uất nên “bị” điều trị bằng thuốc ngủ kết hợp với thuốc đặc hiệu. Điểm éo le lại ở chỗ, theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu đối chứng trong thời gian gần đây ở một số trường đại học y dược thuộc loại “sống lâu lên lão làng” ở Đức, Áo và Thụy Sĩ, thuốc ngủ hóa chất không giúp ích được gì trong bệnh trầm uất! Nói cách khác ngắn gọn hơn, hàng trăm ngàn bệnh nhân đã uống thuốc đến độ lệ thuộc thuốc nhưng cuối cùng chỉ tiền mất tật mang lại thêm ngộ độc thuốc!
Vấn đề vẫn chưa dừng lại ở đó. Các nhà nghiên cứu hiện không còn nghi ngờ việc lạm dụng thuốc ngủ thậm chí là một trong các nguyên nhân dẫn đến trầm uất! Đó là chưa kể đến lời báo động đến khản cổ vì người ta đã ghi nhận:
• Không dưới 60% người dùng thuốc ngủ loại mạnh dễ mang thêm chứng nhức đầu kinh niên khiến phải bỏ học, nghỉ việc!
• Số nạn nhân của tai biến mạch máu não trước đó thường dùng thuốc an thần cao gấp ba số người không dùng thuốc!
• Số tử vong vì nhồi máu cơ tim trước đó hay dùng thuốc ngủ cao gấp đôi nhóm ít khi dùng thuốc!
Thuốc ngủ loại hóa chất tổng hợp phải có hại đến mức nhiều y sĩ đoàn trên thế giới đã từ lâu chỉ cho phép thầy thuốc biên toa trong trường hợp tối cần thiết, khi không còn giải pháp nào khác, khi người bệnh phải ngủ cho bằng được vì mục tiêu điều trị, chẳng hạn vì suy tim, động kinh … Chẳng những thế, nhà điều trị, ngay cả trong trường hợp đúng chỉ định, phải giảm thuốc hóa chất càng sớm càng tốt và tìm cách thay thế bằng dược thảo cũng như kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc như thiền định, khí công, yoga, thư giãn theo Jacobson … Đa số thầy thuốc ở Đức, nơi khó thiếu hóa chất, tất nhiên phải có đủ dữ liệu khoa học từ nhiều công trình nghiên cứu đến độ đồng lòng khuyến khích việc sử dụng các cây thuốc có tác dụng chống trầm uất như cây Ban (Hypericum perforatum), Lạc tiên (Passiflora incarnata), rau Húng (Melissa officinalis), Mạch Nha (Humulus lupulus) …, thay vì tiếp tục cho thuốc hóa chất chỉ để vui lòng khách hàng là Thượng Đế mất ngủ! Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy
• Tình trạng mất ngủ không còn trầm trọng ở 21 bệnh nhân với tác dụng tiệm tiến trong quá trình điều trị.
• Tâm trạng buồn phiền giảm thiểu thấy rõ
• Dấu hiệu đau đầu, đãng trí, biếng ăn … được cải thiện đồng bộ
Thêm vào đó, điểm lý thú là tác dụng thư giản và chống trầm uất của thuốc càng rõ rệt hơn nữa nếu bệnh nhân đồng thời được điều trị kết hợp với tryptophan 250mg, chất tiền thân của serotonin, nội tiết tố cần thiết cho giấc ngủ yên bình và tâm trạng lạc quan, dưới hình thức một lần mỗi ngày sau bữa ăn chiều.
Đừng tưởng bệnh trầm uất chỉ là chuyện khổ ở xứ người. Căn bệnh này cũng đã từ lâu là mối họa ở nước mình. Ai chưa tin xin thử xem có bao nhiêu gia đình hiện nay không có thành viên nào đó đang suy nhược thần kinh hay thậm chí rối loạn tâm thần? Mấy ai ngờ được là bệnh viện tâm thần ở Chợ Quán, Biên Hòa … không thiếu bệnh nhân hãy còn rất trẻ nhưng đã quẫn trí! Dường như trong cuộc sống căng thẳng như hiện nay không “mát dây” mới là chuyện lạ!
Trầm uất chắc chắn sẽ không vui lòng vẫy tay từ giã nếu không bị tống khứ khỏi cửa. Vấn đề chỉ là chọn biện pháp nào? Không lẽ bắt bệnh nhân ngủ vùi để quên nỗi buồn triền miên? Thuốc ngủ loại hóa chất tổng hợp vì thế chỉ là giải pháp tạm bợ cho đến lúc nào đó mất tác dụng hay thậm chí tác hại vì độc tính tính lũy trong quá trình dùng thuốc lâu dài. Trái lại, bệnh trầm uất khó có thể tự tung tự tác nếu có cách nào tối ưu hóa tiến trình chuyển hóa dưỡng khí cho tế bào não bộ đồng thời ổn định dẫn truyền thần kinh bằng hoạt chất sinh học. Đáng tiếc vì giải pháp không hề thiếu nếu thầy thuốc và bệnh nhân đồng lòng kiên nhẫn tìm về sức kháng bệnh của nhiều cây thuốc rất gần trong tầm tay, thay vì mua thuốc độc trả góp từng đêm!