“Khu tà” mới mong “phù chính”!
Thay lời kết
Thầy thuốc Đông Y đều nằm lòng một nguyên tắc vàng từ kinh nghiệm ngàn năm của y học cổ truyền phương Đông. Đó là nguyên lý điều trị mang tên “phù chính, khu tà”, vừa nâng đỡ chính khí, vừa tiêu trừ bệnh nguyên. Chữa bệnh nào cũng thế, mục tiêu điều trị phải bao gồm 2 mặt giáp công với tỷ lệ linh động giữa công và thủ hài hòa cho mỗi đối tượng cá biệt tùy theo cơ tạng, thể trạng, tính cảm ứng, mức độ bệnh lý, khả năng hồi phục …Nói cách khác, biên toa là thao tác đương nhiên cho tất cả bệnh nhân, nhưng cho thuốc loại nào, trình tự ra sao lại là chuyện của mỗi bệnh nhân, không ai giống ai.
Lầm to nếu tưởng đây là chuyện xa xưa thuở chưa có kỹ thuật siêu âm, cắt lát, xét nghiệm nội tiết tố …! Theo cảnh báo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WH)), sau khi thẩm định kết quả hẳn hoi của hàng trăm công nghiên cứu đại trà trên khắp năm châu, không dưới 70% các căn bệnh mãn tính, bệnh thời đại trước khi phát tán đã gắn liền với hệ quả của yếu sức đề kháng. Chính vì thế, sau hàng trăm năm xoa tay mãn nguyện với tác dụng ăn miếng trả miếng tưởng chừng như ăn chắc của hóa chất tổng hợp, càng lúc càng có nhiều thầy thuốc phải thay đổi quan điểm chẩn đoán và điều trị để trở về với hoạt chất thiên nhiên vì vừa an toàn, vừa hiệu quả, thay vì tiếp tục nhồi nhét hóa chất vào cơ thể đã mệt nhoài của bệnh nhân để rồi đánh đổi hiệu quả trước mắt bằng phản ứng phụ tích lũy từ độc tính của thuốc tổng hợp. Nhờ đó, ngành y học tâm thể toàn diện càng lúc càng chiếm vị trí quan trọng trên phác đồ điều trị chữa bệnh tận gốc, thay vì đau đâu chữa đó, còn nước còn tát, chữa cháy cầm canh, chờ ngày … cháy sạch!
Từ nhận thức về vai trò cốt lõi của hàng phòng thủ, nhiều người, kể cả không ít thầy thuốc, đinh ninh là phải tập trung “phù chính” cho nam giới một khi trăn trở vì không còn “đích thực đàn ông”. Đó là lý do khiến thuốc “bổ dương”, nếu nói theo ngôn ngữ bình dân tượng hình, phải là thuốc bổ sao cũng được, ngang dọc cũng tốt, miển là … bổ! nhiều bài thuốc được gán là “gia truyền” theo kiểu “Minh Mạng bí truyền” … Không sai vì phục hồi sinh lực nam giới là đòn bẩy kéo theo chuyện kia. Nhưng nếu được bấy nhiêu tuy hay nhưng vẫn chưa khéo! Bằng chứng là nhiều bệnh nhân mặc dầu đã tiêu thụ cả lố thuốc bổ nhưng hiệu quả chỉ là bóng ảo mù khơi. Lý do, như đã được phân tích trong nhiều bài viết của ấn phẩm này, Testosteron hoặc thiếu hụt trong khâu sản xuất, hoặc tuy đếm lượng vẫn còn đủ nhưng có đó như không vì bị biến thể sang dạng ăn hại, hoặc vì bị nội tiết tố khác chèn ép nên mất hoạt tính, hay tệ hơn nữa, vì cả ba!
Chính vì thế trong bộ đôi “phù chính + khu tà”, khó lòng phù chính để tiếp hơi đủ cho sức bật của nguyên khí nếu lơ là, nếu bỏ sót khâu “khu tà” nhằm trung hòa, hay khéo hơn nữa, xử lý tất cả nhân tố phong bế hoạt lực của testosteron, từ bệnh tiểu đường bước qua rối loạn chuyển hóa cho đến đòn đánh nguội của stress. Kết quả nghiên cứu với 500 bệnh nhân nam khoa trong năm 2018-2019 cho thấy tỷ lệ hiệu quả với liệu pháp “kiềng 3 chân của sinh lực nam giới” rõ ràng vượt trội, từ thời điểm bắt đầu ghi nhận hiệu quả cho đến hiệu năng lâu dài, nếu so sánh với nhóm đối chứng chỉ có “thuốc gọi là bổ dương” trong phác đồ điều trị. Trong nhiều trường hợp, quả thật chỉ cần “khu tà” rốt ráo ở người viêm gan, tăng mỡ máu, tăng acid uric, tiểu đường, mệt mỏi kinh niên … đã đủ để cải thiện tình trạng ngậm bồ hòn làm ngọt. Hiệu quả điều trị tất nhiên càng tối ưu nếu thầy thuốc khéo tay chèn thuốc “phù chính” ngay sau khi thuốc “khu tà” vừa dọn đường tác dụng. Thuốc nào bổ cho nổi trong cơ thể ngập rác?! Nói cách khác, chiến thuật điều trị rối loạn chức năng sinh lý nam giới nếu thiếu hai mặt giáp công quả thật là sai lầm nghiêm trọng vì khó tránh tiền mất tật mang. Tương tự như trong cuộc sống, nét đẹp, điểm tốt dễ gì thăng hoa nếu không chủ động, quyết liệt, kiên trì khai trừ cái xấu?!
Từ nhận xét thu thập qua điều trị cả ngàn đàn ông mất mặt, ấn phẩm này đã được hoàn tất dựa vào kinh nghiệm “mách có chứng” để người đọc qua đó nắm bắt thông tin cụ thể về những nguyên nhân ném đá giấu tay khiến chuyện “nhờ sung nên sướng” chợt một ngày thành nỗi đau khổ triền miên!
Cho dù đã được cân nhắc và sàng lọc cẩn trọng, ấn phẩm xuất bản lần đầu này chắc chắn không thể bước dần đến hoàn chỉnh nếu không có nhận xét và phê bình của đồng nghiệp và độc giả. Hy vọng những thông tin trong tiểu luận này ít nhiều có thể hữu dụng cho ngừời đọc để “cuộc đời vẫn đẹp sao” trong bóng hoàng hôn lãng mạn của đời người.
Cảm ơn rất nhiều.
Lương Lễ Hoàng, Saigon, cuối thu 2020
Trích dẫn từ “Cung đàn sao đành lỗi nhịp?!”, ấn phấm xuất bản lần đầu vào tháng 1.2021