Còn gì mất mặt cho bằng đủ hết trong tay mà … thua! Nếu thầy thuốc bên Đức trong ngày “Bệnh tim mạch” năm vừa qua phải bẽ bàng với con số hơn 200.000 trường hợp nhồi máu cơ tim và gần 150.000 ca tai biến mạch máu não thì con số tử vong ở xứ mình có nhẹ lắm cũng phải nhân đôi! Dễ hiểu vì trong bối cảnh bệnh viện nước ta còn quá tải như hiện nay, bệnh còn lâu mới được phát hiện sớm! Khổ hơn nữa là khi cần cấp cứu lại đến quá trễ vì kẹt … xe!
Thông thường không căng khó đứt. Theo kết quả thống kê mới đây ở Hoa Kỳ, phân nửa trường hợp thuyên tắt mạch vành và đột quỵ không hề bị cao huyết áp. Bên cạnh đó, cũng đừng đổ thừa hết cho cholesterol vì hơn 30% nạn nhân phải vào cấp cứu vì thuyên tắt mạch vành có lượng mỡ máu trước đó hoàn toàn định mức bình thường! Đáng lo hơn nhiều là nếu trước đây nữ giới ít bị thiếu máu cơ tim hơn cánh đàn ông thì số bệnh nhân má hồng phải theo xe í e vào bệnh viện vì cơn đau thắt ngực hiện nay đã ngang ngửa với giới mày râu! Chưa xong! Đã vậy tỷ lệ tử vong của phụ nữ ở phòng hồi sinh thậm chí cao hơn đàn ông!
Đáng nói hơn hết là nếu tai biến mạch máu não trước đây là bệnh của người cao tuổi thì trong thập niên gần đây bệnh chẳng những già tất nhiên không bỏ nhưng nhỏ cũng không tha! Nếu nhồi máu cơ tim trước đây là ách giữa đàng của người từ tuổi lục tuần thì bệnh nay đã trở thành mối đe dọa của người còn rất trẻ nhưng có cuộc sống phải đối diện với stress nhiều hơn gặp người thân!
Tại sao huyết áp bình thường, lượng mỡ trong máu không cao nhưng số bệnh nhân cần cấp cứu chỉ tăng chứ không giảm?! Tưởng chừng như nghịch lý? Không! Đột tử, đột quỵ sở dĩ chiếm thế thượng phong là vì, theo kết quả của hàng chục công trình nghiên cứu gần đây, mạch máu, cho dù chưa xơ vữa, bất ngờ co thắt thái quá do tác hại tích lũy của STRESS. Hậu quả là mạch máu vẫn tắt dù không bị đóng chốt trên thành mạch! Tình trạng này càng nguy kịch hơn nữa nếu dòng máu luân lưu quá chậm do máu quá đậm đặc. Bằng chứng là đối tượng có dòng máu với độ nhớt bình thường rõ ràng ít gặp vấn đề với mạch vành, với vi mạch trên võ não, trên đáy mắt hay cầu thận. Kẹt chính ở chỗ cuộc sống càng xì-trét cơ thể càng dễ phản ứng sai lệch theo kiểu vô cớ phát tín hiệu tập trung tiểu cầu, tăng sợi đông huyết ngay ở đoạn mạch máu thắt nút vì gia chủ hay … giận!
Cho dù nhiều ngàn năm trước chưa có phòng xét nghiệm sinh hóa, chưa có máy siêu âm nhiều chiều nhưng thầy thuốc Đông Y nhờ nằm lòng nguyên tắc “khí hành tất huyết hành” bao giờ cũng dùng cây thuốc với tác dụng “3 trong 1”, vừa giữ máu loãng, vừa chống co thắt mạch máu, vừa thư giãn thần kinh cho bệnh nhân tim mạch cũng như cho người muốn phòng bệnh. Thầy thuốc ngày nay, tính lại cho cùng, nếu muốn cầm chân bệnh tim mạch, cũng không có cách nào khác khéo hơn!
Giọt máu đào tất nhiên không nên loãng như nước lã. Nhưng nếu có cách nào giữ cho huyết vẫn “hoạt” nhờ khí vẫn “hành” thì chuyện phòng ngừa biến chứng của bệnh tim mạch không hề là “điệp vụ bất khả thi” Ở điểm này thầy thuốc Đông Y quả thật có lý khi dùng hoạt chất trong cây thuốc thuộc nhóm “hành khí hoạt huyết” cho đối tượng thừa chất “tham sân si’! Nếu tưởng đây là chuyện xưa èo thì lầm, thầy thuốc y học hiện đại ai nấy đều rõ là trong toa thuốc trị bệnh tim mạch nếu thiếu thuốc giữ cho máu loãng thì bệnh nhân sớm muộn phải kêu xe cấp cứu.
Pha loãng một chút bao giờ cũng dễ chảy qua chỗ hẹp. Với bệnh tim cũng thế mà thôi! Tưởng giải pháp khó tìm vì chuyện nghe nhiêu khê thì lại bé cái lầm! Hoạt chất trong cây thuốc “trời thương trời giúp trái tim” là dẫn chứng cho thấy đâu có bệnh gần đó có thuốc tốt. Kẹt chính ở chỗ không chỉ nhiều bệnh nhân mà ngay cả không ít thầy thuốc, nếu nói theo ngạn ngữ nước Pháp, thích “tìm mặt trăng giữa ban ngày”!